Nội dung bài viết
Để xác định chính xác bệnh nhân có bị sốt xuất huyết không thì cần phải đến một số loại xét nghiệm, vậy kết quả xét nghiệm máu như thế nào là sốt xuất huyết?
- Bác sĩ tư vấn 3 loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường
- Nên làm gì khi trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết?
- Phòng ngừa và điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ
Kết quả xét nghiệm máu như thế nào là sốt xuất huyết?
Sốt xuất huyết là gì?
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, sốt xuất huyết là một căn bệnh lây truyền virus qua trung gian là muỗi, loài muỗi mang virus sốt xuất huyết thường sinh sôi ở những nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Việc tiến hành xét nghiệm máu sẽ giúp tìm hiểu dấu hiệu của virus gây bệnh sốt xuất huyết (dengue ở trong máu). Tuy hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị sốt xuất huyết nhưng việc phát hiện sớm bệnh để thực hiện các phương pháp điều trị các triệu chứng bệnh, giúp bệnh nhân cảm thấy đỡ hơn.
Vì sao cần thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết?
Các bác sĩ khuyến cáo, bạn nên thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết nếu như nơi bạn sinh sống hoặc nơi bạn vừa đi du lịch về đang có dịch bệnh, đồng thời nếu bạn cảm thấy có những triệu chứng như: Sốt, đau đầu, ớn lạnh…
Các triệu chứng của sốt xuất huyết xuất hiện sau 4 – 7 ngày khi bệnh nhân bị muỗi mang virus gây bệnh đốt như: sốt cao đột ngột (trên 40 độ); sưng hạch ở cổ; phát ban ở mặt; đau khớp và cơ; đau đầu dữ dội hoặc đau sau mắt; mệt mỏi; buồn nôn.
Ở giai đoạn cuối của bệnh sẽ có những triệu chứng nguy hiểm hơn như: đau bụng dữ dội, nướu chảy máu, nôn không ngừng, chảy máu mũi; máu trong nước tiểu hoặc phân; xuất huyết dưới da; khó thở; da lạnh; bồn chồn.
Triệu chứng của sốt xuất huyết
Các loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết.
Để chẩn đoán bệnh chuyên khoa sốt xuất huyết, bệnh nhân cần được tiến hành xét nghiệm. Đầu tiên bệnh nhân được lấy máu, sau đó tiến hành xét nghiệm tìm kháng nguyên trong huyết thanh. Các chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết được sử dụng hiện nay gồm có:
- Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1
Xét nghiệm này được bác sĩ chỉ định khi bệnh nhân nghi ngờ mắc sốt xuất huyết từ ngày 1 đến ngày 3, nếu sau khoảng thời gian này thì xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1 sẽ không còn chính xác.
- Xét nghiệm kháng thể IgM
Các bác sĩ cho biết, xét nghiệm này thường được chỉ định cho những bệnh nhân mắc bệnh từ ngày thứ 4, 5 của bệnh. Kháng thể này được sinh ra để chống lại Virus Dengue gây sốt xuất huyết trong giai đoạn cấp tính. Tuy vậy xét nghiệm này có thể âm tính hoặc dương tính tùy vào mức độ tạo kháng thể của mỗi bệnh nhân.
- Xét nghiệm kháng thể IgG
Các chuyên gia cho biết, kháng thể IgG xuất hiện trong cơ thể bệnh nhân sau giai đoạn nhiễm virut Dengue cấp tính từ 10 đến 14 ngày trở đi và tồn tại suốt đời. Chính vì vậy xét nghiệm kháng thể IgG chỉ có thể xác định rằng bệnh nhân đã từng nhiễm virus sốt xuất huyết hay chưa chứ không dùng để chẩn đoán cho người bệnh ở tình trạng sốt cấp tính.
Xét nghiệm khác: Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (Công thức máu toàn phần, CBC):
Việc thực hiện xét nghiệm công thức máu nhằm hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi và tiên lượng bệnh. Nếu xét nghiệm cho thấy số lượng tiểu cầu giảm thấp, hematocrit tăng cao là một trong những dấu hiệu cảnh báo diễn biến bệnh nặng cần quan tâm. Đặc biệt, từ ngày thứ 4 của bệnh, bệnh nhân sẽ phải thực hiện xét nghiệm công thức máu hàng ngày.
Trên đây là một số xét nghiệm sốt xuất huyết hiện nay, tùy vào tình trạng và thời gian mắc bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định loại xét nghiệm phù hợp.
Kết quả xét nghiệm máu như thế nào là sốt xuất huyết?
Kết quả xét nghiệm máu như thế nào là sốt xuất huyết là thông tin được nhiều người quan tâm. Sau khi tiến hành phân tích, bệnh nhân sẽ nhận được kết quả sau vài giờ.
- Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính: Điều này cho thấy bạn đã bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong máu.
- Nếu kết quả là âm tính: Điều này có nghĩa là bạn chưa bị nhiễm virus sốt xuất huyết hoặc bạn thực hiện kiểm tra quá sớm để có thể phát hiện ra virus trong máu.
Trong trường hợp bạn nghĩ rằng bản thân đã tiếp xúc với virus sốt xuất huyết hoặc có các triệu chứng thì hãy nói với bác sĩ để có thể cân nhắc có cần kiểm tra lại hay không.
Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì về kết quả xét nghiệm thì hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Nguồn: Benhchuyenkhoa.edu.vn tổng hợp.