Search
Thứ Tư 13 Tháng Mười Một 2024
  • :
  • :

Chuyên gia tư vấn bệnh lao xương và những đối tượng dễ bị bệnh

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Lao xương khớp được đánh giá là một trong những dạng bệnh lao nguy hại hàng đầu, lứa tuổi thường mắc bệnh là từ 16 – 45 và trong các loại viêm khớp thì đây là bệnh nguy hiểm nhất.

Chuyên gia tư vấn bệnh lao xương và những đối tượng dễ bị bệnh

Chuyên gia tư vấn bệnh lao xương và những đối tượng dễ bị bệnh

Nội dung bài viết

Nguyên nhân gây lao xương là gì ?

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do vi khuẩn lao người, có thể gặp vi khuẩn lao bò, rất hiếm gặp vi khuẩn kháng cồn kháng toan không điển hình. Lao xương khớp thường xuất hiện sau lao sơ nhiễm 2-3 năm. Hay thấy sau lao các màng và trước lao nội tạng. Thông thường, vi khuẩn lao tới khớp chủ yếu theo đường máu, ít trường hợp vi khuẩn theo đường bạch huyết, có thể theo đường tiếp cận như lao khớp háng do lan từ ổ áp-xe lạnh của các cơ vùng thắt lưng.

Vi khuẩn lao có thể tấn công tất cả các xương khớp. Các xương khớp xốp, càng lớn và chịu sức nặng càng nhiều thì nguy cơ mắc lao càng cao, thậm chí chúng có thể tấn công và phá hủy khung nâng đỡ cơ thể.

Đích ngắm đầu tiên của vi khuẩn lao khi tấn công vào xương khớp chính là các khớp, nhất là khớp háng, khớp gối và các khớp của cột sống. Tổn thương thường khu trú ở một vị trí, rất ít khi ở nhiều vị trí khác nhau. Trong đó lao cột sống chiếm 60-70%, lao khớp háng chiếm 15-20%, lao khớp gối chiếm 10-15%, lao khớp cổ chân 5-10% và lao khớp bàn chân 5%.

Những đối tượng nào dễ bị bệnh lao xương ?

Theo chuyên gia tư vấn sức khỏe giảng dạy Liên thông Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Những đối tượng dễ mắc lao xương khớp gồm:

  • Trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng lao bằng vaccin BCG,
  • Người tiếp xúc với nguồn lây đặc biệt là nguồn lây chính, nguy hiểm, tiếp xúc thường xuyên liên tục.
  • Đã và đang điều trị lao sơ nhiễm, lao phổi hoặc một lao ngoài phổi khác.
  • Có thể mắc một số bệnh toàn thân như đái tháo đường, loét dạ dày – tá tràng, cắt 2/3 dạ dày.
  • Cơ thể suy giảm miễn dịch, còi xương, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS hay suy kiệt nặng.

Biểu hiện thường gặp của bệnh nhân lao xương là gì ?

Cũng như các bệnh lao khác, khi bị lao xương khớp, bệnh nhân có thể sẽ gặp các dấu hiệu: nhiễm trùng, nhiễm độc dài ngày như sốt dai dẳng ở mức độ vừa và nhẹ, sốt về chiều, mệt mỏi, kém ăn và đổ mồ hôi trộm.

  • Những chỗ xương khớp bị vi khuẩn lao tấn công sẽ sưng to, nhưng không nóng và không đỏ như những bệnh viêm khớp cấp tính khác. Nếu nhìn được vào ổ khớp sẽ thấy màng hoạt dịch bị phù nề, loét mặt khớp, sụn có các nốt lao, củ lao và các ổ tiêu hủy tổ chức.
  • Những ổ áp-xe hình thành, trong đó có mủ, hoại tử bã đậu, ở thân xương có thêm các mảnh xương chết và tủy xương cũng bị viêm. Các khối áp-xe bùng nhùng ở cạnh khớp hoặc đã vỡ để lại các lỗ dò. Có trường hợp mủ lao đi theo các thớ cơ, tạo nên các ổ áp-xe ở xa, như ổ áp-xe của lao cột sống thắt lưng có thể nằm ở hố chậu hoặc ổ áp-xe của lao khớp háng xuống đến tận đùi.
  • Cùng với dấu hiệu nhiễm khuẩn, sưng các khớp, bệnh nhân lao xương khớp sẽ thấy các hoạt động cơ thể khó khăn hơn do các khớp và xương đau nhẹ hoặc vừa phải….
  • Các dấu hiệu khác có thể gặp là teo các cơ vận động khớp, gù vẹo, gấp khúc cột sống trong lao cột sống, đi tập tễnh lệch người trong lao khớp háng, liệt và rối loạn cơ tròn do ổ áp-xe lạnh chèn ép vào tủy sống,…

Cần lưu ý những biểu hiện trên và đi khám bác sĩ để có phương án điều trị kịp thời.

Chữa trị bệnh lao xương có khó không?

Nhờ những tiến bộ về mặt chẩn đoán và điều trị, hiện nay bệnh lao nói chung và viêm xương khớp do lao nói riêng có thể được chữa khỏi hoàn toàn với điều kiện là chẩn đoán sớm và điều trị sớm đúng nguyên tắc. Về điều trị, chủ yếu vẫn là dùng các thuốc chống lao đường toàn thân. Cần để khớp nghỉ tương đối ở giai đoạn đầu khoảng 4-5 tuần bằng cách nằm trên giường cứng, không nên nằm trên đệm mềm, cũng không cần bó bột bất động tuyệt đối như cách điều trị trước đây. Sau đó, tập vận động khớp để tránh cứng khớp. Một số trường hợp phải can thiệp ngoại khoa như có ổ áp-xe lớn, chèn ép tủy do cột sống gấp khúc, đốt sống xẹp hoặc áp-xe lạnh.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được cách ly với người thân để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Những người thân trong gia đình có tiếp xúc với bệnh nhân lao cần đi khám và chụp X-quang phổi để phát hiện sớm tình trang nhiễm lao và có biện pháp phòng tránh, điều trị kịp thời để tránh lây lan.

Nguồn: Bệnh chuyên khoa