Liệt thần kinh mặt hay liệt dây thần kinh VII ngoại biên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người bệnh, liệt dây thần kinh mặt sẽ được cải thiện nếu bệnh nhân xoa bóp đúng cách.
- Khuyến cáo bệnh tiểu đường nguy hiểm
- Vì sao tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh vô kinh tăng cao ?
- Hà Nội đưa ra những biến chứng của bệnh cao huyết áp – kẻ giết người thầm lặng
Bác sĩ Y học cổ truyền hướng dẫn cách xoa bấm huyệt điều trị liệt thần kinh mặt
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên là một trong những bệnh chuyên khoa thần kinh, bệnh thường gặp ở người cao tuổi, bệnh nhân mắc bệnh có các biểu hiện chính sau: mắt nhắm không kín, chảy nước mắt, mất nếp nhăn trán, má sệ, không huýt sáo được, nhân trung miệng kéo lệch sang bên đối diện, ăn uống khó, chảy nước ở bên mép bị liệt, sợ gió, sợ lạnh…
Việc điều trị liệt dây thần kinh mặt có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau như dùng thuốc, châm cứu xoa bóp bấm huyệt, tập luyện cơ…. Bệnh nhân có thể tự điều trị liệt dây VII ngoại biên bằng cách thực hiện như sau:
Hướng dẫn cách xoa bấm huyệt điều trị liệt thần kinh mặt
Thủ pháp vùng mặt: Dùng ngón tay út day huyệt tình minh (day nhẹ) 100 lần, sau đó dùng ngón tay cái day huyệt ngư yêu 50 lần, tiếp theo day huyệt đồng tử liêu, ti trúc không, tứ bạch, thừa khấp mỗi huyệt 30 lần (người bệnh nặng có thể tăng lên đến 50 lần). Nếu công năng mí mắt trên giảm sút thì day thêm huyệt ngư yêu, dương bạch 30 lần, nhấc vê mí mắt trên 30 lần. Nếu công năng mí mắt dưới suy giảm thì day huyệt tứ bạch, thừa khấp thêm 30 – 50 lần.
Thủ pháp vùng miệng: Dùng ngón tay cái day huyệt nghinh hương, huyệt hạ quan, huyệt giáp xa mỗi huyệt 30 – 50 lần rồi day huyệt địa thương 30 – 50 lần, trường hợp nặng có thể tăng lên 100 lần. Tiếp theo, dùng bàn tay day phần mặt bên bị bệnh 30 – 50 lần, day cho đến khi phần mặt nóng lên mới đạt. Day huyệt thái dương, phong trì, ế phong mỗi huyệt 30 – 50 lần.
Việc điều trị liệt dây thần kinh mặt có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau
Vị trí huyệt:
- Tình minh: trên góc khóe mắt trong.
- Ngư yêu: chỗ lõm giữa lông mày.
- Đồng tử liêu: góc khóe mắt ngoài đo ra 0,5 tấc.
- Ti trúc không: chỗ lõm phía ngoài đuôi lông mày.
- Tứ bạch: mắt nhìn thẳng phía trước, huyệt nằm ở chỗ lõm của vành mắt, từ con ngươi xuống khoảng 1 tấc.
- Thừa khấp: trên bờ hốc mắt dưới.
- Dương bạch: từ giữa lông mày (huyệt ngư yêu) đo lên 1 tấc.
- Nghinh hương: cạnh cánh mũi 0,5 tấc.
- Hạ quan: chỗ lõm bờ dưới sau xương gò má.
- Giáp xa: ở phía trên trước góc xương hàm dưới (chỗ khi dùng sức cắn răng thì cơ nổi lên).
- Địa thương: từ khóe miệng đo sang ngang 0,5 tấc.
- Phong trì: bờ xương chẩm, chỗ lõm sau tai.
- Ế phong: ở chỗ lõm sau mỏm nhọn nhất của dái tai, sát bờ trước cơ ức đòn chũm, sau góc xương hàm dưới, ấn vào trong tai thấy đau.
- Thái dương: ở chỗ lõm phía sau ngoài đuôi mắt 1 tấc, sát cạnh ngoài của mỏm ổ mắt xương gò má, ấn vào có cảm giác ê tức.
Lưu ý: Để phòng liệt thần kinh mặt, khi trời rét tránh mở cửa đột ngột để gió lạnh tạt vào mặt. Vào mùa nóng khi ngủ không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt. Khi phải làm việc và học tập ban đêm không nên ngồi gần cửa sổ để tránh gió lùa. Người già ban đêm không nên ra ngoài. Ngoài ra, cần điều trị sớm và triệt để các nhiễm khuẩn ở tai, mũi, họng…
Nguồn: Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn