Tôi bị bệnh đái tháo đường týp 2, được bác sĩ cho dùng thuốc tolbutamid để điều trị. Tuy nhiên, khi dùng thuốc, tôi thấy có triệu chứng buồn nôn, thỉnh thoảng vã mồ hôi, tim đập nhanh, đi không vững…Vậy các triệu chứng trên có phải hạ đường huyết do thuốc không?
- Hỏi đáp bệnh học – Suy tính mạch và tăng huyết áp?
- Hỏi đáp bệnh học – Viêm họng dùng kháng sinh khi nào?
Nguyễn Phương Thu (Hà Tĩnh)
Tolbutamid là một thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường týp 2 (không phụ thuộc vào insulin) thể nhẹ và vừa mà không kiểm soát được đường huyết bằng chế độ ăn đơn thuần. Tolbutamid được dùng theo đường uống. Có thể sử dụng liều độc nhất trong ngày vào buổi sáng, nhưng tốt hơn vẫn là sử dụng theo chia liều và liều sử dụng thay đổi, đồng thời cần được điều chỉnh trên từng người bệnh tùy theo mức độ bệnh và đáp ứng điều trị của người bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng kiểm soát đường huyết, thuốc có thể gây ra những bất lợi cho người bệnh. Thường gặp nhất là nôn, buồn nôn, táo bón, đau thượng vị, phát ban, mày đay. Về chuyển hoá thường gặp là hạ đường huyết (đặc biệt là ở người cao tuổi, người suy yếu hoặc kém dinh dưỡng, suy gan, suy thận…) với các triệu chứng như đổ mồ hôi lạnh, đánh trống ngực, bồn chồn, giảm thân nhiệt, da tái nhợt, bứt rứt, co giật, run, đi không vững, mệt mỏi khác thường, nặng hơn có thể dẫn tới vô thức, lú lẫn, hôn mê…
Rất có thể bạn đã bị hạ đường huyết do thuốc. Hạ đường huyết cũng dễ xảy ra khi người bệnh bỏ hoặc chậm bữa ăn, không ăn được do nôn, buồn nôn… Khi có dấu hiệu của hạ đường huyết, cần lấy 3-4 miếng đường uống với nước. Cần thông báo cho bác sĩ của bạn biết các tác dụng không mong muốn của thuốc mà bạn đã gặp phải để có cách xử trí thích hợp.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn