Search
Thứ Bảy 21 Tháng Chín 2024
  • :
  • :

Những triệu chứng thường gặp của bệnh tai biến mạch máu não là gì?

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Được biết bệnh tai biến mạch máu não thường gặp ở người cao tuổi, đây là biến chứng nặng do tăng huyết áp và xơ vữa động mạch.

Những triệu chứng thường gặp của bệnh tai biến mạch máu não là gì?

Những triệu chứng thường gặp của bệnh tai biến mạch máu não là gì?

Người trẻ tuổi hơn cũng có thể bị tai biến mạch máu não do biến chứng của bệnh tim hoặc do dị dạng mạch máu não.

Nội dung bài viết

Tìm hiểu về bệnh tai biến mạch máu não là gì ?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai biến mạch máu não là dấu hiệu phát triển nhanh chóng trên lâm sàng của một rối loạn khu trú chức năng của não, hiện tượng này kéo dài trên 24 giờ và thường do nguyên nhân ở mạch máu. Như vậy, trên lâm sàng đây là các biểu hiện bệnh lý gồm phần lớn các trường hợp chảy máu trong não, chảy máu dưới màng nhện và nhũn não. Chúng không bao gồm các trường hợp thiếu máu thoáng qua hoặc bệnh lý mạch máu não lan tỏa có khởi đầu lặng lẽ.

Những triệu chứng thường gặp của bệnh tai biến mạch máu não là gì?

+ Triệu chứng tai biến mạch máu não xuất hiện ban đầu thường là: nhức đầu, nhất là vào ban đêm, có thể chỉ bị nhức ở một bên đầu là bên sẽ có chảy máu. Triệu chứng nhức đầu có thể là cấp tính hoặc mạn tính, thường kèm theo dấu hiệu chóng mặt và ù tai, một số bệnh nhân còn có biểu hiện sung huyết ở mặt.

+ Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể gặp như chảy máu cam hoặc nặng hơn nữa là chảy máu võng mạc. Thực tế có trường hợp bệnh nhân trong tiền sử đã bị tê nửa người hoặc liệt nửa người, có khoảng 30% các trường hợp đã có tiền sử của cơn thiếu máu não thoáng qua.

+ Giai đoạn khởi đầu có thể xảy ra đột ngột, bệnh nhân ngã vật ra và hôn mê ngay nhưng cũng có thể khởi đầu bằng triệu chứng nhức đầu dữ dội, ý thức bị thu hẹp dần và trong 1 – 2 giờ sẽ bước vào giai đoạn toàn phát.

+ Giai đoạn toàn phát có 3 hội chứng nổi bật là hôn mê, liệt nửa người và rối loạn thần kinh thực vật.

  • Hội chứng hôn mê thường là loại hôn mê sâu và nặng, biểu hiện bằng rối loạn chức năng tiếp ngoại và chức năng thực vật, mặt tái nhợt, thở thư ngáy, bị rối loạn nuốt, rối loạn cơ tròn, toàn cơ thể bất động, mất phản xạ giác mạc và đồng tử mắt, trên thực tế có khi khó phân biệt được bên lành và bên liệt.
  • Hội chứng liệt nửa người thường kèm theo dấu hiệu khu trú khác, bên liệt có tình trạng giảm trương lực cơ, kể cả cơ ở mặt, bệnh nhân nằm ở tư thế đầu và mắt cùng quay về phía bên bị tổn thương, liệt mặt kiểu trung ương có thể xác định được bằng nghiệm pháp quy định, liệt chân tay cùng bên thường thể hiện qua kiểm tra trương lực cơ và thấy giảm rõ ràng với các dấu hiệu thử nghiệm lâm sàng ở bên bị liệt, tuy nhiên do có hiện tượng phù não nên có thể xuất hiện ở cả hai bên, ngoài ra có thể thấy biểu hiện giãn đồng tử mắt ở một bên.
  • Hội chứng rối loạn thực vật bao giờ cũng được ghi nhận và thường xuất hiện sớm, bệnh nhân có các dấu hiệu tăng tiết phế quản dẫn đến ứ đọng đờm dãi, rối loạn nhịp thở, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp động mạch, nhiệt độ cơ thể lúc đầu có thể thấp nhưng về sau tăng lên khoảng 38 – 390C và có khi cao hơn, mặt có thể xanh, tím hoặc đỏ, dễ bị rối loạn dinh dưỡng, nhất là loét và hay xảy ra từ ngày thứ ba trở đi, nhìn chung ở bên liệt có các rối loạn vận mạch và rối loạn dinh dưỡng nhiều hơn, có thể ra nhiều mồ hôi, …

Tiến triển bệnh lý của tai biến mạch máu não thường nặng, có thể dẫn đến tử vong. Thực tế, tình trạng tử vong ghi nhận xảy ra vào những giờ đầu hoặc cuối tuần đầu. Các nhà khoa học cho rằng ngày nguy kịch nhất là ngày thứ 2 và ngày thứ 10, sau 10 ngày thì ít nguy hiểm hơn.

Trong vòng 10 ngày đầu, những rối loạn thực vật trầm trọng như hôn mê sâu, sốt cao kéo dài, rối loạn nhịp thở, rối loạn tim mạch và huyết áp báo hiệu nguy cơ tử vong. Sau ngày thứ 10 tuy đỡ nguy hiểm hơn nhưng vẫn có thể tử vong vì các biến chứng trầm trọng, nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiết niệu cũng như những rối loạn nước và chất điện giải, đồng thời có khả năng do rối loạn dinh dưỡng, nhất là tình trạng suy dinh dưỡng. Tiếp theo những ngày sau đó vẫn còn có nguy cơ đe dọa tái phát tai biến, nổi bật là­­ nguy cơ tàn phế với các di chứng thần kinh nặng nề như liệt và di chứng tâm thần như suy giảm trí tuệ, sa sút tâm thần.

Phòng tránh bệnh tai biến mạch máu não để không gặp phải biến chứng nguy hiểm

Phòng tránh bệnh tai biến mạch máu não để không gặp phải biến chứng nguy hiểm

Làm thế nào để phòng ngừa tai biến mạch máu não ?

Dược sĩ Liên thông Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết để chủ động phòng ngừa tai biến mạch máu não cần làm như sau:

  • Cần phát hiện và chữa trị bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch một cách triệt để, nhất là đối với những trường hợp có bệnh tăng huyết áp.
  • Đồng thời cũng cần phát hiện và xử trí những dị dạng mạch máu có thể là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não. Ngoài ra cần tránh những yếu tố có thể tạo nên điều kiện xuất hiện tai biến mạch máu não như tình trạng stress tâm lý, gắng sức quá nhiều, uống nhiều rượu bia, có cơn tăng huyết áp…
  • Khi phát hiện các dấu hiệu báo trước như bị nhức đầu quá mức, chóng mặt, tê buốt chân tay, nổi đom đóm mắt… ở những người tăng huyết áp thì phải nên xử trí can thiệp điều trị kịp thời, nếu để chậm trễ, khả năng tai biến mạch máu não xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
  • Việc điều trị phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản là xử trí can thiệp đúng đắn trong giai đoạn cấp tính, nhất là khi bệnh nhân hôn mê. Thực tế chảy máu não hay nhũn não thì cũng là tai biến mạch máu não nên đều có thể áp dụng những biện pháp tương tự, nhất là trong nhiều trường hợp ngay lúc đầu khó phân biệt được tình trạng chảy máu não hay nhũn não. Do đó để đối phó với giai đoạn cấp tính của tai biến mạch máu não phải có những biện pháp tích cực chống phù não, bảo đảm thông khí, dinh dưỡng, chống bội nhiễm.

Cùng với các phương pháp điều trị trên, cần quan tâm chú ý đến công tác phục hồi chức năng trong giai đoạn bệnh lý cấp tính cũng như thời gian lâu dài sau này để hạn chế sự tàn phế đến mức thấp nhất.

Nguồn: Bệnh chuyên khoa