Dị dạng động tĩnh mạch là một rối loạn mạch máu não, gây chảy máu não đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Vậy bệnh bắt đầu do đâu và triệu chứng của bệnh như thế nào?
Nội dung bài viết
Dị dạng động tĩnh mạch là bệnh gì?
Dị dạng động tĩnh mạch là một dạng rối loạn mạch máu liên kết giữa động mạch và tĩnh mạch não. Mạch máu não thường được chia thành nhiều nhánh nhỏ. Đến một vị trí nhất định, các mạch máu sẽ phân thành nhiều mạch nhỏ gọi là mao mạch có đường kính bằng một tế bào máu, khoảng 1/5 kích thước sợi tóc con người. Ở người có rất nhiều mao mạch, thông thường dòng chảy và áp suất bên trong mao mạch là rất thấp.
Tuy nhiên, do sự gắn kết bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch mà máu lưu thông qua mạch máu dị dạng với áp suất cao và nhanh, có thể gây vỡ mạch dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não hoặc gây áp suất tiếp giáp lên não, dẫn đến động kinh (co giật).
Bác sĩ Cao đẳng Y Dược Sài Gòn cho biết dị dạng động tĩnh mạch có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở não và cột sống. Tuy nhiên theo thống kê, dị dạng động tĩnh mạch thường rất hiếm gặp và chỉ gây ảnh hưởng tới dưới 1% dân số.
Một số người bị bẩm sinh, nhưng phần lớn trường hợp bệnh thường hình thành ở giai đoạn sau của cuộc đời và hiếm khi di truyền.
Khi đã được chẩn đoán, một dị dạng động tĩnh mạch có thể được điều trị thành công để ngăn ngừa biến chứng như tổn thương não hoặc đột quỵ.
Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh dị dạng động tĩnh mạch
Một dị dạng động tĩnh mạch có thể không có dấu hiệu cho đến khi dị dạng này bị vỡ ra, gây ra xuất huyết não. Phần lớn các tình trạng dị dạng mạch máu não có dấu hiệu đầu tiên là xuất huyết.
Nhưng một số người mắc dị dạng động tĩnh mạch có thể có dấu hiệu liên quan đến dị dạng động tĩnh mạch ngoài chảy máu.
Ở những người không bị xuất huyết, triệu chứng của dị dạng động tĩnh mạch có thể bao gồm:
- Co giật
- Đau cả đầu hoặc một vùng ở đầu
- Yếu cơ hoặc tê một phần cơ thể
- Đau đầu dữ dội
- Yếu, tê liệt tay chân
- Giảm thị lực
- Nói khó
- Lú lẫn hoặc mất khả năng nghe hiểu
- Bất ổn định trầm trọng
Các triệu chứng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phổ biến nhất là ở giai đoạn 10 tới 40 tuổi. Các dị dạng động tĩnh mạch có thể gây tổn thương mô não theo thời gian, gây triệu chứng sớm ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, dị dạng động tĩnh mạch khi đến tuổi trung niên lại có xu hướng ổn định và ít gây triệu chứng.
Một số trường hợp phụ nữ mang thai có thể có triệu chứng nặng hơn do cơ thể có những thay đổi về thể tích máu và huyết áp khi mang thai.
Một trong số những trường hợp nặng của dị dạng động tĩnh mạch là khiếm khuyết mạch máu Galen, có biểu hiện xuất hiện sớm hơn hoặc ngay sau sinh. Mạch máu chính trong loại dị dạng này có thể tạo dịch và tích tụ trong não, gây phù với các triệu chứng bao gồm: phù các tĩnh mạch thấy được bằng mắt thường trên da đầu, co giật, kém phát triển và suy tim sung huyết.
Nguyên nhân gây ra bệnh dị dạng động tĩnh mạch là do đâu?
Bác sĩ Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết nguyên nhân dị dạng động tĩnh mạch cho đến nay vẫn chưa được xác định, nhưng các nhà khoa học tin rằng hầu hết các dị dạng động tĩnh mạch có biểu hiện trong quá trình phôi thai phát triển.
Bình thường, tim bơm máu giàu oxy thông qua động mạch đến não. Các động mạch giúp làm chậm dòng chảy của máu bằng cách truyền chúng qua một loạt các mạch nhánh nhỏ hơn, kết thúc với các mạch máu nhỏ nhất gọi là mao mạch. Các mao mạch nhịp nhàng phân phối máu qua các thành mạch mỏng và xốp đi đến mô não.
Máu nghèo oxy từ não sẽ di chuyển đến các mạch máu nhỏ rồi vào các mạch máu lớn, dẫn máu về tim và phổi để lấy thêm oxy.
Các động mạch và tĩnh mạch trong dị dạng động tĩnh mạch sẽ bị thiếu hụt mạng lưới hỗ trợ của mạch máu nhỏ và mao mạch này. Thay vào đó, một mạng lưới bất thường khiến dòng chảy máu nhanh hơn và đi trực tiếp từ động mạch sang tĩnh mạch, bỏ qua các mô xung quanh.
Cách tự chăm sóc bệnh dị dạng động tĩnh mạch?
Người bệnh cần nắm rõ thông tin về bệnh chuyên khoa dị dạng động tĩnh mạch để có thể có quyết định sáng suốt về việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Được bác sĩ tư vấn về kích thước và vị trí dị dạng động tĩnh mạch và nó có ảnh hưởng như thế nào đến việc điều trị.
Chấp nhận cảm xúc của mình: dị dạng động tĩnh mạch khi có biến chứng có thể gây ra các vấn đề về mặt xúc cảm cũng như thể chất. Hãy hiểu rằng cảm xúc khó có thể kiểm soát, và một số thay đổi về cảm xúc và trạng thái có thể đến từ những chấn thương cũng như từ việc chẩn đoán.
Giữ bạn bè và gia đình gần bên bạn: Giữ các mối quan hệ tích cực sẽ giúp ích bạn trong quá trình phụ hồi. Bạn bè và gia đình có thể có những giúp đỡ hỗ trợ thực tế mà bạn cần, như dẫn bạn đi khám bác sĩ, và hỗ trợ ổn định tinh thần bạn.
Tìm ai đó để nói chuyện cùng: Tìm một người biết lắng nghe để sẵn sàng nghe bạn tâm sự về hi vọng cũng như những lo lắng, có thể là một người bạn hoặc người thân trong gia đình. Sự quan tâm và hiểu biết của một cố vấn, nhân viên xã hội y tế hoặc nhóm hỗ trợ có thể giúp ích.